Có ai không sợ nắng không? Nếu không thì vào đây mình hù cho sợ http://leanhblog.com/lam-dep/tia-uv-la-gi Hầu hết câu trả lời là có. Ánh nắng là kẻ thù đáng sợ của sắc đẹp. Tuy nhiên, chúng ta đều phải đối mặt với ánh sáng mặt trời hằng ngày, vậy thì, làm sao đây? Vũ khí quan trọng nhất, luôn kề cận bạn bảo vệ bạn chính là Kem chống nắng!
CÁC LOẠI KEM CHỐNG NẮNG?
Về bản chất:
Sun Screen: Kem chống nắng hoá học (chemical suncreen) là kem chống nắng có tác dụng hấp thu tia cực tím (UV) , chúng hấp thu năng lượng tia UV trước khi chúng có tác dụng tới da. Các hoạt chất chống nắng hoá học hầu hết là hỗn hợp nhiều chất vì thực chất không có hoạt chất đơn lẻ nào khử toàn phổ của tia UV. Thành phần chính thường gồm các chất sau: Oxygenzone, Avobenzone, Cinoxate, Dioxybenzone… Sun screen thường trong suốt không màu. Cơ chế hoạt động của là hấp thu và phản chiếu tia UV, tuy nhiên đồng thời cũng cho phép một phần tia cực tím hấp thụ vào da.
Khi dùng Sun screen, da của bạn không bị cháy nắng ngay lập tức, nhưng nguy cơ lâu dài do phần tia cực tím hấp thụ là khá cao. Ngoài ra, các chất hóa học được sử dụng trong Sun screen có cấu trúc không ổn định nên rất dễ bị biến đổi khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, từ đó làm giảm hiệu quả chống nắng (ví dụ như thời gian chống nắng theo tính toán là 2h, nhưng trong thực tế thời gian này giảm xuống còn 1h).
Sun Block: Kem chống nắng vật lý (physical suncreen): Có thành phần chính là Titanium Dioxide và Zinc Oxide. Cơ chế hoạt động của Sun block là phản chiếu ánh sáng, tạo ra tấm màng ngăn cách giữa da và ánh nắng. Hai chất này đều có khả năng chống tia UVA và UVB. Sun block thường có màu trắng sữa, do đó đặc trưng của các loại kem chống nắng physical là làm trắng da ngay khi dùng. Tuy nhiên một vài giờ sau khi dùng da bạn sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Về dạng sử dụng:
-
Dạng kem: Là hình thức phổ biến nhất, dễ dùng, độ bám cao.
-
Dạng xịt: Đem lại cảm giác dễ chịu do ít gây dính rít, bóng nhờn, nhưng thời gian duy trì tác dụng thường không dài.
-
Dạng khăn lau: Chất chống nắng được tẩm sẵn trong khăn giấy ướt, rất thuận tiện, giúp bạn thoa nhanh, cả ở những vùng khó như gáy và lưng. Nhược điểm của nó là tính bảo vệ không cao.
-
Nếu đi bơi hay tắm biển, bạn nên chọn loại kem chống thấm nước, chống trôi (có chữ water-resistant hoặc tốt hơn là waterproof). Và ngay cả với những sản phẩm này, bạn vẫn nên thoa lại sau vài tiếng đồng hồ.
-
Nhiều loại mỹ phẩm như kem dưỡng ngày, phấn nền, son môi, dưỡng thể… vẫn có thành phần chống nắng, nhưng chỉ số không cao. Mặt khác, với những mỹ phẩm này, bạn thường chỉ thoa lên mặt một lớp rất mỏng nên khả năng bảo vệ trước tia cực tím không đáng kể. Do đó, nếu không có một lớp kem chống nắng riêng, bạn nên che mặt cẩn thận bằng khăn hoặc khẩu trang khi ra ngoài nắng.
SPF LÀ GÌ?
Kem chống nắng có khả năng bảo vệ da chống lại ảnh hưởng tiêu cực của tia UV lên làn da của bạn. Mức độ bảo vệ của mỗi loại kem chống nắng được thể hiện qua chỉ số chống nắng SPF ( viết tắt của Sun Protection Factor) hoặc IP ( ít phổ biến hơn, viết tắt của Indice de Protection).
SPF là viết tắt của Sun Protection Factor – là chỉ số bảo vệ da trước tia UVB ( SPF chỉ liên quan tới khả năng chống tia UVB (làm cháy da) mà không phải là UVA (làm da bị lão hóa) nó cho biết khoảng thời gian bạn được an toàn. Chẳng hạn, nếu trung bình da bạn chịu nắng được khoảng 10 phút thì loại kem có chỉ số SPF30 sẽ giúp bạn được bảo vệ trong 10 x 30 = 300 phút, tức 5 giờ. Tuy nhiên, để kem chống nắng phát huy tối đa hiệu quả, bạn phải bôi đều một lớp dày 2 mm, điều mà thực tế ít người thực hiện. Đó là chưa kể lớp kem dễ bị trôi đi do mồ hôi, va quệt… Do đó, các chuyên gia da liễu vẫn khuyến cáo bạn nên bôi lại 2 tiếng một lần. Bạn có thể căn cứ vào bảng sau để tính toán chỉ số SPF phù hợp cho mình:
Ví dụ: bạn dùng sản phẩm chống nắng SPF 30, bạn có làn da màu trung bình (Average) thì thời gian chống nắng tối đa của bạn = 30 x 15 phút = 450 phút = 7,5 giờ.
CHỈ SỐ SPF CÀNG CAO CÀNG TỐT?
Sẽ có nhiều bạn thắc mắc vậy thôi tính toán chi, cứ mua loại SPF cao nhất bôi là đảm bảo an toàn nhất. Quan niệm sai lầm nhất về SPF là việc SPF càng lớn thì khả năng chống nắng càng tốt. Trên thực tế thì chỉ số SPF càng lớn thì khả năng chống nắng của kem sẽ càng lâu. . Khả năng chống tia tử ngoại không tỉ lệ thuận với chỉ số SPF. Kem chống nắng có chỉ số SPF 15 hấp thu tối đa 94% tia tử ngoại, SPF 20 hấp thu tối đa 95%, SPF 30 là 96%, SPF 45 là 97 %, SPF 60 là 98%.
Trên thực tế, SPF 100 chỉ nhỉnh hơn 1% so với SPF 50 về khả năng chống tia UVB, trong khi số lượng hóa chất độc hại mà bạn hấp thu vào cơ thể lại gấp đôi, gây tình trạng bức bí da và hại da, thay vì vậy hãy bôi lại nhiều lần trong ngày để có sự bảo vệ tốt nhất. Trong tất cả các website về skincare đa phần đều đưa ra lời khuyên về việc chỉ nên sử dụng kem chống nắng có SPF dưới 50. Trong đó, con số an toàn và hợp lý nhất là SPF 30, đây là mức bảo vệ hợp lý và đảm bảo lượng thành phần hóa chất không quá độc hại cho da.
SPF 15 dành cho những người không thường xuyên hoạt động ngoài trời, hoặc người muốn duy trì làn da rám nắng
SPF 30 dành cho mọi loại da khi thường xuyên ra nắng
SPF 50 dành cho những người có da nhạy cảm hay hoạt động nặng ngoài trời trong nhiều giờ
CHỈ SỐ SPF CÀNG CAO THÌ LƯỢNG KEM CẦN DÙNG CÀNG ÍT ĐI?
Chỉ số này chỉ có ý nghĩa về mặt thời gian (tức loại kem có SPF cao sẽ bảo vệ da bạn lâu hơn trước ánh nắng) chứ không phải cường độ. Do đó, dù SPF là 16 hay 32, bạn cũng phải dùng một lượng kem như nhau.
PA LÀ GÌ?
PA là viết tắt của Protection Grade – chỉ khả năng lọc tia UVA. Sản phẩm giúp ngăn UVA thường chứa ôxit kẽm và ôxit titan (ZnO, TiO2).
Có 3 cấp độ thường gặp :
PA+ có tác dụng chống UVA 40-50%
PA ++ có nhiều tác dụng chống UVA 60-70%
PA +++ có rất nhiều tác dụng chống UVA 90%
Nếu kem chống nắng của bạn có chỉ số SPF tức là bạn được bảo vệ trước tia UVB, nếu có thêm PA là sản phẩm đó có khả năng bảo vệ da trước tia UVA. Bạn nên nhớ, UVA còn nguy hiểm hơn UVB rất nhiều.
Đối với UVA, do trước đây người ta cho rằng UVA không gây hại, cho nên nhiều kem chống nắng không có tác dụng chống UVA.
Để biết loại kem chống nắng đó có bảo vệ da khỏi tia UVA hay không thì các chị cần chú ý một trong bốn dấu hiệu sau:
– Trên nhãn có chữ UVA trong một vòng tròn: sản phẩm đã được kiểm chứng, có ít nhất 3 ngôi sao (do EU quy định), 4-5 sao thì hiệu quả càng cao.
– Hoặc biểu hiện bằng chỉ số PA (protection factor of UVA – khả năng lọc tia UVA). Dấu + phía sau chữ PA là thước đo thời gian hiệu quả chống nắng. PA+ tức là làn da của các chị sẽ được bảo vệ trong khoảng 4h, PA++ trong 8h và PA+++ là loại kem chống nắng cực mạnh, có thể bảo vệ các chị 12h.
– Hoặc sản phẩm có ghi 2 chỉ số, ví dụ: SPF 60-12, nghĩa là đó là khả năng bảo vệ chống tia UVA-UVB, hoặc ghi rõ thành SPF 20A 20B, hoặc UVA/UVB, hoặc SPF 60 A=B.
– Hoặc sản phẩm có ghi chữ “broad spectrum” hoặc “full spectrum” (phổ rộng): hạn chế được cả UVA và UVB.
Nếu một sản phẩm dù ghi UVA nhưng không có bất kì biểu tượng nào như trên thì chưa chắc có tác dụng chống UVA, các chị cẩn thận nhé.
LỰA CHỌN KEM CHỐNG NẮNG PHÙ HỢP TỪNG LOẠI DA:
Tuy nói kem chống nắng có 2 loại chính nhưng vẫn phải chọn loại phù hợp với từng loại da.
1. Kem chống nắng cho da dầu và hỗn hợp
Làn da bóng nhờn và dính bết sẽ để lại cảm giác khó chịu nếu bạn không dùng kem chống nắng thích hợp. Ở làn da này là loại da thừa dầu nhưng thiếu nước nên cần tìm loại kem chống nắng có ghi ‘oil-free‘ hoặc ‘non-comedogenic‘ (không gây mụn) và chứa nhiều nước sẽ giúp bảo vệ tối đa cho làn da mà vẫn đem lại cảm giác khô thoáng dễ chịu.
Chọn kem chống nắng cho da nhờn còn gọi là da dầu thường nên sử dụng dạng nước hoặc các sản phẩm dạng gel (nếu bạn đi bơi)
Khi lựa chọn kem chống nắng cho làn da dầu, hãy chắc chắn rằng bạn không chọn kem chống nắng có hương thơm hoặc có thành phần dưỡng ẩm vì nó không được khuyến khích sử dụng cho da nhờn.
2. Kem chống nắng cho da nhạy cảm
Hầu hết làn da nhạy cảm dễ bị kích thích bởi hóa chất như PABA và benzophenones như oxybenzone, dioxybenzone hoặc sulsiobenzone có trong thành phần của những loại kem chống nắng. Vì vậy, kem chống nắng cho da nhạy cảm thường sử dụng thành phần oxit titan và oxit kẽm (kem chống nắng VẬT LÝ: Sunblock) để không bị hấp thụ qua da và điều này có thể làm giảm nguy cơ các vấn đề da phải đối mặt.
Đối với làn da nhạy cảm, hãy thử sản phẩm ra cổ tay trước khi chọn mua để thử độ kích ứng rồi hãy sử dụng. Nếu bạn thấy vùng da ở cổ tay nổi mẩn ngứa thì bạn không nên sử dụng sản phẩm đó, nó không phù hợp với làn da của bạn.
Các sản phẩm chống nắng cho khuôn mặt nhạy cảm và kem chống nắng ở vùng cổ nên được tách biệt thành 2 loại vì chúng có thành phần kem chống nắng khác nhau cho hai khu vực này của cơ thể. Đặc biệt là nên rửa sạch kem chống nắng trước khi đi ngủ nhất là với làn da nhạy cảm.
3. Kem chống nắng cho da thường và da khô
Da khô cần rất nhiều sự chăm sóc đặc biệt vào trong mùa hè và mùa đông. Và một loại kem chống nắng tổng hợp sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho làn da khô.
Nếu có làn da dễ bị nổi mụn hoặc da khô thì nên sử dụng dạng phun sương hay dạng xịt, vì loại này dịu nhẹ và thông thoáng lỗ chân lông, giúp da không bị tắc nghẽn bởi bụi bặm và mồ hôi.
Đối với làn da khô nhạy cảm, bạn nên mua kem chống nắng có thành phần dưỡng ẩm và tránh những kem chống nắng có mùi thơm không cần thiết.
NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG KEM CHỐNG NẮNG:
♥ Sử dụng kem chống nắng vào bất cứ lúc nào ban ngày mà bạn thấy “có tia sáng”, bất kể trong nhà, trời âm u, mưa… vì lúc nào cũng có hiện diện của tia UV mặc dù ta không thấy ánh nắng. Đặc biệt trong khoảng thời gian 10h sáng tới 16h.
♥ Nên dùng sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên, bất cứ sản phẩm nào có chỉ số chống nắng nhỏ hơn 15 đều là không đáng kể.
♥ Khi sử dụng mỹ phẩm có chỉ số chống nắng thì chỉ số SPF KHÔNG được cộng dồn lại với nhau khi bạn thoa hai loại kem chống nắng mà chỉ lấy SPF của loại cao nhất. Ví dụ bạn thoa kem nền có chỉ số là SPF17 trong khi phấn phủ là SPF20 thì chỉ số chống nắng cho da bạn lúc đó là 20.
♥ Điều cần lưu ý là kem chống nắng có 2 loại, một loại dùng cho da mặt và một loại dùng cho toàn thân. Bạn không nên dùng lẫn hai thứ với nhau vì kem chống nắng sẽ không phát huy được hiệu quả của nó. Bởi mỗi loại kem chống nắng thì có tác dụng riêng, đặc biệt cho từng bộ phận trên cơ thể bạn. Như bạn đã biết vùng da mặt chúng ta thường mỏng và dễ bị kích ứng, vì thế nên dùng loại chống nắng dành riêng cho mặt do chúng có thêm tinh chất dưỡng da, chỉ số SPF tốt nhất là khoảng 20-40. Còn SPF cao hơn 40 thì nên dùng cho các vùng da khác trên cơ thể. Nếu sử dụng sai chỉ số có thể gây kích ứng và dễ nổi mụn.
♥ Bất cứ loại kem chống nắng nào cũng mất từ 20-30 phút để hoàn toàn thẩm thấu và tạo ra bức tường ngăn chặn tia tử ngoại (còn gọi là tia cực tím hay tia UV). Để đạt hiệu quả chống nắng tốt nhất, bạn nên thoa kem chống nắng 20 phút trước khi ra nắng.
♥ Nên thoa kem chống nắng lại sau mỗi 2h nếu bạn liên tục ở ngoài trời. Đặc biệt khi đi bơi hay hoạt động tiếp xúc nước nhiều, hãy dùng loại chống nắng chuyên dụng (có chữ water-resistant hoặc tốt hơn là waterproof). Và ngay cả với những sản phẩm này, bạn vẫn nên thoa lại sau vài tiếng đồng hồ. Cuối ngày, bạn nên tẩy trang kỹ càng bằng nước tẩy trang chuyên dụng, sau đó thoa kem dưỡng trắng ban đêm để giữ độ trắng và mịn màng cho làn da.
♥ Ngoài ra, bạn có thể tận dụng khả năng chống tia UV của quần áo khi mặc ra ngoài nắng. Mỗi loại quần áo có tác dụng chống nắng khác nhau, gọi là chỉ số UPF (Ultraviolet Protection Factor). UPF càng cao, khả năng hấp thụ tia tử ngoại càng lớn, da bạn càng được an toàn.
Quần áo có khả năng bảo vệ theo cả 3 cách: chất liệu vải có thể ngăn cản UV, màu sắc có thể hấp thụ hoặc phản xạ tia tử ngoại, một số hóa chất trên vải có thể hấp thụ tia tử ngoại. Quần áo có UPF 50 nghĩa là chỉ 1/50 lượng tia tử ngoại xuyên qua được. Chọn quần áo chống tia tử ngoại (tia cực tím, tia UV) như thế nào?
– Vải dệt dày tốt hơn vải dệt thưa.
– Polyester tốt hơn vải cotton.
– Màu tối tốt hơn màu sáng.
– Quần áo khô tốt hơn quần áo ướt.
– Luôn nhớ đội mũ để bảo vệ mặt và da đầu khỏi tia tử ngoại.
– Một số loại quần áo được nhuộm hóa chất đặc biệt hấp thụ tia tử ngoại (hóa chất này không màu). Quần áo chỉ được gọi là có khả năng chống nắng (sun-protective) nếu UPF từ 15-50.
♥ Có một điều chắc chắn rằng, dù bạn dùng kem chống nắng nào đi chăng nữa thì cũng không thể bảo vệ cho da tránh khỏi 100% tác động của ánh nắng mặt trời. Bạn hãy phối hợp thêm những biện pháp khác nữa và đừng nên ở ngoài nắng quá lâu nếu không cần thiết.
♥ Cuối cùng: hấp thụ Vitamin D một cách hợp lý
Vitamin D tăng cường sự khoẻ mạnh của xương và hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư ngực, thận,…và điều tiết ít nhất 1,000 gen khác nhau trong mỗi mô của cơ thể bạn. Hiệp Hội Y học Mỹ khuyên rằng: 10 phút tắm nắng vài lần/tuần sẽ là liều vitamin D cần thiết. Vitamin D rất quan trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nhưng đó không phải là lý do để phơi nắng trực tiếp từ mặt trời. Thay vào đó, hấp thụ lượng viamin D hàng ngày thông qua chế độ ăn của bạn từ sữa, nước cam ép hay cá hồi đóng hộp hoặc các sản phẩm chức năng (dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ). Lượng vitamin D cần thiết là 1,000-2,000 IU mỗi ngày và khoảng 10-15 phút tắm nắng là đủ để hấp thụ vitamin D hằng ngày (thời gian từ 8h- 10h sáng)
Có thể tham khảo thêm thông tin: http://www.informationisbeautiful.net/2011/the-sunscreen-smokescreen/
Lê Anh viết dựa trên tài liệu tham khảo nhiều nguồn.
[…] dụng nhất đó chính là KEM CHỐNG NẮNG. Các bạn có thể tìm hiểu tại đây: http://leanhblog.com/my-diary/kem-chong-nang-toan-tap + Không sử dụng thiết bị có tia […]
bài viết rất chi tiết
thanks bạn đã chia sẻ :)
Bài viết hay quá, Cám ơn Addmin phát huy bạn nhé!
Rất cám on bạn
Tuyệt,tks bạn nhìu vì bài dễ hiểu và chi tiết.
Tuyệt,tks bạn nhìu vì bài dễ hiểu và chi tiết.
Cảm ơn bạn nhiều nha , mình cũng hay dùng mỹ phẩm lắm
[…] – Chăm sóc: Vì ánh nắng mặt trời là sự mở đường cho sắc tố Melanin phát triển nên bạn hãy hạn chế ra ngoài nắng nhất là các thời điểm nắng gay gắt nhất từ 10h sáng đến 16h chiều. Nếu bắt buộc phải ra ngoài hãy tạo cho da một tấm áo choàng bảo vệ bằng cách thoa kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Tìm hiểu chi tiết tại đây, tất tần tật về Kem chống nắng: http://leanhblog.com/lam-dep/kem-chong-nang-toan-tap. […]
Chị ơi em dùng sữa tắm ong của Thorakao thì thấy trong thành phần có kẽm oxit và titanium dioxide, vậy nghĩa là sữa tắm của em thuộc dạng kem chống nắng vật lý phải không ạ? Nhưng em lại thường sử dụng sữa tắm vào cuối ngày, mà nếu sữa tắm ấy đc tính như 1 loại kem chống nắng vì có 2 thành phần trên, mà lưu ý khi dùng kem chống nắng là phải tẩy trang trước khi ngủ, vậy nghĩa là em không nên dùng loại sữa tắm đó vào cuối ngày mà nên dùng loại khác phải không chị?
Dạ còn 1 câu hỏi nữa mong chị giải đáp, đó là em dùng loại kem dưỡng trắng da vaseline healthy white (loại dạng tuýp như sữa rửa mặt – 180ml), trên tuýp ghi là có khả năng chống nắng, UVA, UVB, PA++ SPF30 nhưng em tìm trong thành phần thì không thấy kẽm oxit hay titanium dioxide, hay avobenzone, vậy nó có khả năng chống nắng thật k chị hay chỉ là chiêu trò của nhà sản xuất ạ? hay thành phần chống nắng được viết dưới 1 cái tên khác mà em dốt hóa hữu cơ nên không đọc ra hở chị? :'(
Thường kem chống nắng không bao giờ là sữa tắm cả em ạ, vì tắm xong nó trôi đi không hết thì cũng gần hết sao có tác dụng chống nắng được??? Nên chị nghĩ kẽm oxit và titanium dioxide có trong sữa tắm có thể với hàm lượng thấp, là nguyên liệu, chất xúc tác… hay là có công dụng gì đó chứ ko hẳn là chống nắng nha em. Chống nắng phải là dạng bôi trên da, ở trên da 1 thời gian dài thì mới có tác dụng chống nắng được.
Chị search thành phần Vaseline healthy white trên mạng thì thấy:
Thành phần: Water, Isopropyl myristate (thickening agent – giúp cho lotion đặc hơn, emolient – chất làm mềm da, có khả năng gây bít lỗ chân lông), Niacinamide (cell-communicator), Stearic acid, Glyceryl stearate (thickening/emolient: những chất loại này nhằm giúp các thành phần kem trộn vào với nhau mà ko bị phân tách lớp), Mineral oil (nguồn gốc dầu mỏ, ko xấu như bị đồn, rất lành với da, có tác dụng giữ ẩm), Ethyhexyl Methoxycinnamate (chất chống nắng, nhưng trong trường hợp này chỉ có tác dụng bảo vệ các thành phần kem dưỡng ko bị hủy hoại dưới nắng), Carbomer, Fragrance, Cetyl Alcohol (thickening/emolient), Glutamic acid (amino acid, chưa có research nào công nhận tác dụng khi bôi lên da, để vào chỉ để quảng cáo vui), Methylparaben (preservatives), Titanium Dioxide (chống nắng, thickener), Propylparaben (preservatives), Sodium PCA (thành phần tự nhiên có trong da, có tác dụng giữ nước giúp da ẩm mượt), Sodium Hydroxide (điều chỉnh pH), Disodium EDTA (preservatives), Hydrated Silica, Alminum Hydroxide (chất bảo vệ da và tạo màu trắng đục cho kem dưỡng), Glycerin soya Sterols (dẫn xuất từ đậu nành, tốt cho da nhưng nằm cuối danh sách thế này thì % chẳng đáng kể để có tác dụng j) , lecithin (chất nhũ hóa), Yogurt powder, Alginic Acid (lại amino acid, nghe tưởng hay nhưng ko có tác dụng gì cho da)
Nghĩa là nó có thành phần chống nắng nha em, có thể trên nhãn hiệu họ không viết đầy đủ hết. Cơ bản là em xài có thấy hiệu quả thật sự hay không :)? Thân.
Cám ơn bạn vì bài viết vô cùng chi tiết nha ^^